Video clip

Văn hóa

Những kỷ vật vô giá của nghề báo!

20/06/2020 12:37

Sáng 19-6, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Từ ý tưởng tâm huyết giữ gìn, tôn vinh và phát huy truyền thống của các thế hệ người làm báo, hiện Bảo tàng sưu tầm được 20 nghìn hiện vật, tài liệu; trong đó có nhiều kỷ vật quý hiếm, vô giá gắn với lịch sử dân tộc.

Chân dung những nhà báo tiên phong trong lịch sử báo chí nước nhà, chiếc loa phát thanh ở vĩ tuyến 17 có thể truyền xa 10km, công suất 500W – chiếc loa đã đi vào lịch sử dân tộc với những trận “đấu loa” quyết liệt giữa quân ta và Mỹ - Diệm trong thời kỳ giới tuyến quân sự tạm thời trên sông Bến Hải thời kỳ 1954 – 1965, hình ảnh nữ phát thanh viên đầu tiên Thu Hương (hay còn gọi là Hana Hà Nội) năm 1966. Đó là những hiện vật, hình ảnh đang được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Đó còn là những thước phim quay cảnh máy bay B52 bị ta bắn rơi, hay những không khí Dinh Độc lập trưa 30/4/1975 của nhà quay phim Phạm Việt Tùng.Những hiện vật, kỷ vật, hình ảnh không thể đong đếm được giá trị, bởi nó không chỉ cho thấy lịch sử báo chí, mà có thể mang số phận một nhà báo cũng như gắn với lịch sử dân tộc.

Đến nay, bảo tàng đã có trên 20 nghìn hiện vật, tài liệu, trong đó có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, được trưng bày theo 5 phần với cách trình bày phong phú, sống động, sử dụng công nghệ thông minh, là kết quả của quá trình lao động miệt mài, dày công nghiên cứu, sưu tầm của những người làm bảo tàng báo chí.

Với nhiều thế hệ làm báo, Bảo tàng Báo chí là nơi lưu giữ, trung tâm giáo dục truyền thống báo chí về tinh thần yêu nước, cách mạng, một trung tâm nghiệp vụ, bắt nhịp đời sống báo chí trong cả nước và trên thế giới.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam nằm trên đường Dương Đình Nghệ, HN, chính thức mở cửa từ ngày 19-6.

Ngân Lượng - Mộng Thìn

Chuyên mục
×